PHỔ TẦN SỐ CỦA CÔNG NGHỆ LTE

Công nghệ LTE (Long Term Evolution) được biết đến như là một công nghệ cho hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G). Công nghệ này hiện nay đang được một số các công ty thiết bị viễn thông lớn trên thế giới tiến hành triển khai thử nghiệm và bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan. Nhưng những phổ tần số nào có giá trị và có nhiều triển vọng nhất cho công nghệ LTE thì vẫn còn bí ẩn.

Theo ông Adlane Fellah, giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập ra Maravedis – chuyên nghiên cứu và phân tích về thị trường viễn thông cho biết: “Chuẩn LTE đã đạt đến một mốc quan trọng vào tháng 12/2008; sự phê chuẩn chính thức hy vọng được đưa ra trong một thời gian tới. Tiêu chuẩn đã được hoàn thành đủ để các nhà thiết kế phần cứng tiến hành thiết kế các chipset, thiết bị kiểm tra và các trạm gốc trong một thời gian.”

Nhưng những băng tần số nào có giá trị cho LTE và những băng tần nào có triển vọng nhất cho các nhà cung cấp LTE thì không được đề cập nhiều. Bài viết thảo luận về một số băng tần cơ bản có thể sử dụng cho công nghệ LTE.

1. Băng tần 700 MHz

Cho đến lúc này, có 10 băng tần FDD và 4 băng tần số TDD khác nhau đã được định nghĩa trong 3GPP có thể được sử dụng cho LTE. Nhiều băng tần khác cũng được đưa ra như băng 700 MHz ở Mĩ.

FCC đã đưa ra đấu giá 62 MHz trong băng tần số 700 MHz. Băng này có giá trị cao do tần số của băng tần này thấp nên cho phép tín hiệu truyền xa hơn và cung cấp chất lượng phủ sóng trong các tòa nhà tốt hơn các băng tần số cao như băng 2,5 GHz. Vì vậy, các nhà khai thác cần ít trạm gốc hơn để phủ sóng một vùng điều này dẫn đến giá đầu tư thấp hơn.

Verizon Wireless một thành viên của Verizon Communications ở Hoa Kỳ và Vodafone của Châu Âu là công ty dành chiến thắng lớn nhất trong cuộc đấu giá băng tần 700 MHz. Nhà khai thác CDMA này đã chi 9,63 tỷ đôla để dành được phổ tần này trên toàn quốc với 298 triệu dân, cộng với 102 giấy phép ở các thị trường riêng lẻ với 171 triệu dân để triển khai LTE.

2. Băng tần 900 MHz

Hiện nay băng tần này có 35 MHz để sử dụng cho mạng GSM. Tùy vào từng khu vực mà cơ quản quản lý có thể cấp cho 2 đến 4 nhà khai thác di động. Điều này có nghĩa là một nhà khai thác chỉ có thể triển khai một sóng mang 5 MHz. Nhưng như vậy thì không đủ băng tần để bao phủ GSM. Vì vậy, đa số các nhà khai thác chỉ có thể triển khai một sóng mang 1,25 MHz.

Có lẽ băng tần này không hấp dẫn lắm, vì khá “chật chội”. Tuy nhiên, có còn hơn không?

3. Băng tần 1800 MHz

Tình cảnh trái ngược so với băng tần 900 MHz.

Hiện nay băng tần này cũng được cấp phép cho mạng GSM với tổng cộng 75 MHz. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn chưa phân bổ hết toàn bộ 75 MHz này cho các nhà khai thác di động, bởi vậy một số nhà khai thác có thể dành lấy băng tần chưa sử dụng để bắt đầu triển khai LTE với một sóng mang 5 MHz hoặc 10 MHz. Cũng lưu ý rằng có khá nhiều nhà mạng đã được cấp phép trên 10 MHz.

4. Băng tần 2100 MHz

Đây là băng tần dành cho 3G UMTS ở một số khu vực trên thế giới chẳng hạn như Châu Âu, với tổng cộng 60 MHz. Trong hầu hết các quốc gia thì mỗi nhà khai thác được cấp một đoạn băng tần 10 MHz nhưng cũng chỉ sử dụng 5 MHz cho một sóng mang 3G. Ngoài ra, cũng có một số băng tần bỏ trống do một số nhà khai thác bỏ cuộc sau khi chi tiêu hơi “quá tay” cho cuộc đấu giá giấy phép 3G vào năm 2000.

Như vậy sẽ có một số đoạn băng tần có thể sử dụng được cho LTE. Tình huống là các nhà khai thác bắt đầu với 5 MHz, sau đó tìm cách mua thêm để có được 10 MHz.

5. Băng tần 2600 MHz

Đây sẽ là một băng tần có giá trị cho LTE (và cho cả WiMAX) ở Châu Âu. Có tối đa 140 MHz (2x 70 MHz) sẽ được phân chia cho các dịch vụ FDD như LTE và 50 MHz khác cho băng TDD (nhiều khả năng là cho WiMAX). Đến bây giờ, Na Uy và Thụy Điển đã đấu giá phổ tần số này trong khi đó Hà Lan, Đức, Áo và Anh đã lập kế hoạch đấu giá. Các nhà quản lý Châu Á cũng đang xem xét băng tần này.

Đánh giá chung về một số băng tần

Trên đây là một số băng tần có thể được xem xét nhiều nhất cho LTE ở một số khu vực khác nhau trên thế giới. Điều này không có nghĩa là tất cả các quốc gia đều phải áp dụng mà tùy vào phổ tần đang sử dụng thực tế của từng quốc gia mà có thể chọn băng tần phù hợp nhất cho quốc gia mình. Chẳng hạn, ở Nhật Bản dự kiến vào giữa năm nay họ sẽ cấp phép cho LTE ở các băng tần 1500 MHz, 1700 MHz và 2000 MHz.

LTE cũng có thể đóng một vai trò trong các băng tần GSM 900 và 1800 hoặc 2100 MHz do có ưu điểm là được sử dụng một cách rộng rãi và đặc tính truyền sóng tốt. Băng 2,1 GHz cũng được ủng hộ dành cho LTE đặc biệt ở Châu Á. Ước chừng có 150 quốc gia đang sử dụng băng tần số này cho WCDMA nhưng không có nhiều nước sử dụng toàn bộ 60 MHz.

Các băng tần được xem xét ở Hội nghị vô tuyến thế giới năm 2007.

Các thiết bị đầu cuối và cơ sở hạ tầng mạng đầu tiên của LTE sẽ được cung cấp nhiều băng tần số do đó LTE sẽ có thể nhanh chóng dành được quy mô kinh tế lớn trên thế giới. Điều này có nghĩa là các nhà khai thác có thể sử dụng LTE trong cả băng tần đang tồn tại và băng tần số mới và dần dần nó sẽ được triển khai trong tất cả các băng di động tế bào. Trái ngược với các hệ thống di động tế bào trước đây, LTE sẽ sẽ nhanh chóng được triển khai trên nhiều băng tần.

Mr. ALOVN – Dịch và sưu tầm.

Bình luận trên Facebook